Viêm tai- mũi- họng: Dùng kháng sinh hay không?
Những quan điểm trái ngược nhau từ phía bệnh nhân và người nhà
Là một bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi- Họng, tôi đã được hỏi rất nhiều câu hỏi về việc sử dụng kháng sinh trong loại bệnh lý này. Quan điểm cũng theo hai chiều:
- “Tại sao tôi, con (cháu, em…) tôi lại phải sử dụng kháng sinh? Không dùng có được không? Tôi không muốn cho dung kháng sinh, chỉ dùng các thuốc siro giảm ho thôi có được không?
- Bác sĩ phải dúng ngay thuốc kháng sinh cho con (cháu, em…) tôi, vì bệnh cháu diễn biến nhanh lắm, không dùng không thể khỏi được, rồi… không dùng cháu sẽ viêm phế quản ngay, nhà tôi có kinh nghiệm về vụ này rồi.
-Hoặc tại sao lại sử dụng kháng sinh lâu thế, tôi/ con/ cháu... dùng 03 ngày thấy đỡ rồi nên tự dừng rồi chứ lâu như thế tôi sợ nhiều biến chứng lắm?
Như vậy, bản thân tâm lí người bệnh hoặc người nhà người bệnh cũng có những hiểu biết và suy nghĩ khác nhau. Với vai trò một bác sĩ điều trị, tôi có một số quan điểm muốn chia sẻ:
- Quan điểm “không sử dụng kháng sinh” đúng trong một số trường hợp: ví dụ những bệnh lý về tai- mũi- họng đó không phải do nhiễm vi khuẩn mà tác nhân gây bệnh là vi rút, do nhiễm lạnh, dị ứng thức ăn, đồ uống… Những trường hợp này chỉ cần điều trị triệu chứng bằng các thuốc như hạ sốt, giảm kích ứng, giảm ho, chống sung huyết mũi họng… và theo dõi diễn biến của bệnh. Nếu sau khi dùng thuốc, bệnh có xu hướng thuyên giảm, có thể ngưng sử dụng thuốc sau 07-10 ngày điều trị.
- Quan điểm không sử dụng kháng sinh sẽ không phù hợp nếu bạn hoặc người nhà bạn có bệnh lý về tai, mũi, họng tác nhân do vi khuẩn hoặc đã bội nhiễm vi khuẩn sau đó, hoặc đã bị các biến chứng vào tai, xoang hay xuống thanh, khí, phế quản…
Trường hợp này cần phải sử dụng kháng sinh và tuân thủ tuyệt đối theo đơn thuốc của bác sĩ điều trị.
Nếu sử dụng kháng sinh không kịp thời, bệnh nhân sẽ có thể gặp những vấn đề không mong muốn như: Biến chứng tới các bộ phận kế cận như viêm tai, xoang, thanh quản, khí quản, phế quản và phổi.... Đặc biệt, nếu vi khuẩn gây bệnh là loại liên cầu Beta tan huyết nhóm A, việc sử dụng kháng sinh không đúng lúc, không đúng chủng loại, không đủ liều sẽ dẫn tới biến chứng toàn thân: viêm cầu thận cấp, thấp tim, thấp khớp cấp.
Hãy cũng bác sĩ lắng nghe cơ thể bạn, nếu kế cả việc sử dụng kháng sinh rồi mà sau đó các biểu hiện bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để chỉnh liều bởi vì có thể kháng sinh bạn dùng không phù hợp với chủng vi khuẩn mà bạn mắc, hoặc chủng vi khuẩn của bạn mắc có độc tính mạnh hoặc đã kháng lại thuốc mà bạn đang sử dụng.
Sử dụng kháng sinh trong bao lâu?
Bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị cho ban/ con/ người nhà bạn… vì chỉ bác sĩ đã trực tiếp khám cho bạn mới có thể hiểu được tình trạng của bệnh nhân để thay đổi thuốc, liều thuốc và quyết định thời gian sử dụng thuốc.
Ví dụ: nếu viêm họng do liên cầu (loại gây biến chứng tới thận, tim và các khớp) phải dùng ít nhất 10 ngày và phải sử dụng nhóm kháng sinh diệt liên cầu. Hoặc trong những trường hợp viêm mũi xoang phải điều trị dài ngày, phác đồ điều trị có thể phải sử dụng trong 03 tháng (tất nhiên là có nhóm kháng sinh, liều sử dụng kháng sinh phải thay đổi….).
Thời gian sử dụng kháng sinh bác sĩ sẽ quyết định và trao đổi với bạn nhưng thường trên nguyên tắc: nếu có đáp ứng thì sẽ dùng cho đến khi khỏi hẳn. Như thế nào là khỏi hẳn: bệnh nhân hết triệu chứng, bác sĩ khám thấy tình trạng tổn thương tại các bộ phận tai- mũi- họng đã hoàn toàn bình phục. Đây mới là thời điểm dừng thuốc. Thuốc dừng đúng lúc mới làm cho các đợt viêm mũi họng thưa hơn và khả năng kháng kháng sinh của bạn không có hoặc hạn chế ít nhất.
Nên theo một bác sĩ điều trị
Một lời khuyên nữa là nên theo một bác sĩ điều trị, bạn hãy chọn một bác sĩ mà bạn thật tin tưởng rồi song hành cùng họ; vì với thời gian theo dõi và điều trị liên tục đó họ mới biết được trong gia đình bạn ai hợp với thuốc gì, ai dị ứng thuốc gì…
No comments: